Người phụ nữ cao tuổi nhất, bà hoặc mẹ, hoặc chị gái lớn là người ngồi đầu nồi, một chỗ không phải là danh dự nhưng là để cầm cân nảy mực, để vừa ăn vừa trông chừng, vừa xới cơm phục vụ cả nhà. Nhiều lúc thiếu thốn, chính người ngồi đầu nồi là người chú ý để mâm cơm vui vẻ, liều lượng vừa phải. Xem chừng nếu hơi ít cơm, người ngồi đầu nồi ăn chậm lại, nhường người khác. Với người cao tuổi, người dầu nồi xới chỗ cơm mềm, dẻo, và mỗi bát cơm cần xới vơi hay đầy thì người này đã quen để ai cũng vừa lòng.
Trên mâm, miếng ngon nhất bao giờ cũng được gắp cho người cao tuổi nhất, nhưng kỳ lạ miếng ấy sẽ được truyền đi truyền lại để cuối cùng lại vào bát người ít tuổi nhất, vào em bé nhất nhà Câu cửa miệng "ăn trông nồi, ngồi trông hướng” luôn được mọi người chú ý thực hiện trong mọi gia đình Hà Nội.
Món ăn thì sao, nói cách khác, người Hà Nội thường ăn các món gì?
Trước hết, chiếc mâm hình tròn, tâm của nó bao giờ cũng là bát nước chấm, dù nó là nước mắm hay tương hoặc thứ nước chấm pha riêng cho mỗi món. Vào bữa, từng đôi đũa được so cho đều đặn, đặt quanh mâm hướng tâm, trông không khác nào là tâm mặt trời, còn xung quanh là những tia sáng xòa ra bốn phương tám hướng. Mâm màu vàng, bát màu trắng, đũa màu nâu chưa kể màu sắc các món, trông đã đẹp.
Đời sống kinh tế khá giả hơn nhiều nơi khác. Ít ai chỉ ăn cơm với một món, mà thường vài ba món, thế nào cũng có món mặn kèm món nhạt. Trước hết không thể thiếu canh. Nước rau luộc, canh nấu với rau như giò sống rau ngót, canh cá rô rau cải nấu gừng canh cá quả rau cần, canh cua rau đay, rồi cải soong, cải cúc canh dưa... hoặc riêu cá nấu chua với thì là, riêu cá quả băm viên, riêu cua, riêu sườn, nước luộc gà... Canh và riêu múc bát to, ai cần thì dùng muôi múc vào bát mình mà húp, không ai được húp vào cái muôi chung đó.
Vào bữa, không ai gắp cặp díp, không chọn miếng to nhất, ngon nhất cho mình. Chấm thức ăn xong phải đưa lên bát mà không đưa trực tiếp vào miệng, cũng không rê nó lên đĩa thức ăn khác (nhỡ ra lòng lợn chấm mắm tôm, nếu rê đi, người không ăn được mắm tôm thì sao)? Không húp canh thành tiếng xụp xoạp, cũng không nhai tóp tép ồn ào, và không cười nói bô bô làm bắn cả nước bọt thức ăn ra phía trước. Không được ngồi chống nẹ, (chống khuỷu tay xuống một bên đầu gối làm lệch người), không được ngồi xổm khiến đầu gối quá tai.
Xong bữa, người có địa vị trên trong gia đình còn được đưa tăm đưa nước, đưa khăn mặt ướp nước nóng đến tận tay. Theo tục lệ đưa tăm cho ai không bao giờ cầm một cái tăm đưa vào tay, để kiêng chuyện sẽ có cãi nhau, mà phải đưa cả hộp cho người cần tự rút lấy một cái. Thực ra, kiêng thế là không có lý do, mà ngầm nói một điều kỹ càng hơn: kiêng cầm bằng tay vì cái tăm đó sẽ trực tiếp xỉa vào răng, nên cần giữ vệ sinh. Nay có tăm từng gói, tăm từng chiếc, có khăn ăn, giấy ăn thuận tiện hơn nhiều.
Không phải gia đình bình dân thông thường nào ăn xong cũng có đồ tráng miệng hoặc có trà ngon để uống ngay sau khi ăn. Chỉ những gia đình khá giả mới có. Nên đồ tráng miệng là gì, không có nề nếp nào chung cả, từ cam, quýt, chuối, dứa, nho, dâu tây, táo, mận. hay bánh mứt kẹo. Trà cũng vậy, nhiều cụ nghiện trà, không dùng trà ngon để súc miệng sau bữa ăn, mà một lúc lâu sau mới tự tay pha trà để thưởng thức. Còn cả gia đình đã có nước súc miệng là nước lọc đựng vào chai, đậy bằng những chiếc bồ đài trắng (những cái phễu bằng giấy) để khỏi lẫn với rượu khi đút nút bằng rút hay lie.
Người Hà Nội ngay trong một gia đình cũng có khi có nhiều người làm khác nghề, khác giờ, nên có nhiều gia đình đều phải phần cơm. Không thế chấp nhận một bữa cơm mà ai về trước, ăn xong, úp lồng bàn lại, ai về sau tiếp tục ngồi vào ăn, nhìn thấy bát lệch, đũa bẩn, xương lợn, xương cá, cơm nguội bừa bãi. Gia đình nền nếp phải phần riêng, thứ nào cũng có. Cơm phải ủ trong chăn bông nếu là mùa rét. Bát đũa cũng phải sạch sẽ thơm tho, khô ráo làm bữa cơm thành ngon lành lịch sự.
Phải là một kẻ cô đơn, một người rơi vào hoàn cảnh gia đình không trọn vẹn, không hoàn chỉnh mới thấy không khí gia đình là quý báu như thế nào, nhất là những bữa cơm gia đình, dù nó là hàng ngày nó quen thuộc với ta suốt một đời... Nó là tình yêu, là sức khỏe, là thương mến, là tình máu mủ ruột rà… hơn thế nữa, nó còn chứa đựng nhiều yếu tố văn hóa, và thực chất, nó chính là một phần của văn hóa Thăng Long - Hà Nội.
Bài đăng Phổ biến
- Bài hát chế "HN - niềm tin và hy vọng"
- Nguồn Gốc Chữ Nôm của Đỗ Thành (ST: Quốc Việt)
- Làng Cổ Nhuế qua bài viết của Phạm Thế Việt (ST: KC)
- Hồ Xuân Hương và bài thơ Vịnh cái quạt (Huỳnh Văn Úc)
- Bài thơ Xứ Quảng (Phan Hoài Thuận)
- TẠI SAO GIỚI TUYẾN HAI MIỀN LẠI LÀ VĨ TUYẾN 17? (Việt Dũng)
- Thơ gửi từ Úc: THƯỜNG DÂN (Ngô Hà, dân Guilin 1950)
- Tiệc mừng Ts Bs Văn Công Phước nhận nhiệm vụ mới
- CÂU CHUYỆN TẬP KẾT RA BẮC (1954 – 1956) - (Việt Dũng)
- Chuyện không phổ biến: “AI VỀ HẢI HẬU , CHỢ CỒN” (Tiến "gù")
Thứ Sáu, 1 tháng 4, 2011
Đăng ký:
Đăng Nhận xét (Atom)
1 nhận xét:
Bài viết thật tinh tế. Bây giờ mới ngẫm ra mà thương cho các bà các mẹ ngồi đầu nồi thời bao cấp. Khi bé tôi tham ăn. Bà già phải dùng cách chia khẩu phần. Ví dụ một bữa được hai con tôm ( to hơn con tép một tí ). Khi đã chia rồi thì tôi lại ăn uống rất từ tốn. Thậm chí chỉ ăn cơm không với rau. Để dành cuối bữa xơi không hai con "tôm" mặn chát, rồi khát nước uống đến ỏng bụng.
Cảm ơn bác nhà báo nhé.
Đăng nhận xét