Thứ Tư, 20 tháng 4, 2011

Chuyện HN: THANH, THIẾU NIÊN HỌC SINH HÀ NỘI TẬP VÕ (Tiến "gù")


Khi tôi 14-15 tuổi (khoảng 1961-1962. Tuổi “trống choai”) thì trong thanh thiếu niên Hà Nội đang có phong trào học Quyền Anh (boxing) và Judo. Hà Nội lúc đó có khá nhiều Câu Lạc Bộ Quyền Anh chính thống, ví dụ : Tầm cỡ lớn phải kể đến : CLB QA Quân đội , CLB QA TDTT Hà Nội , CLB QA ĐHBách Khoa Hà Nội , rồi đến cỡ nhỏ hơn như : CLB QABa Đình , CLB QAHai Bà Trưng , CLB QAHoàn Kiếm …

Phải nói là thanh niên Hà Nội hồi ấy khá “thượng võ” , quyền Anh phổ biến và là một hoạt động thể thao quần chúng thường xuyên được chính quyền thành phố khuyến khích, thỉnh thoảng tối thứ bẩy hoặc những dịp 1-5 ; 2-9 , tết nhất, người ta vẫn dựng “ring” ở sau Đền Bà Kiệu , Vườn hoa Bát giác ( còn gọi là Vườn hoa “tập kèn” , bây giờ là nơi dựng tượng vua Lý Công Uẩn ) , Sân vận động Bách Khoa , để thi đấu giữa các “lò”, đồng thời cũng hay đấu giữa Hà Nội với Hải Phòng, chả có tiền bồi dưỡng gì đâu nhưng các võ sinh vẫn hăng hái xỏ găng và thượng”ring”.
Gần đây Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh cũng muốn khôi phục lại môn thể thao này trong quần chúng như xưa nhưng không thành công.  
1-/ TẬP VÕ :
Không thể thoát khỏi “làn sóng” ấy , tôi “máu me” học liền một lúc cả hai thứ . Các “lò” võ chính ở Hà Nội có : Quân đội , TDTT Hà Nội , CLB ĐH Bách Khoa , Võ sư Nguyễn Đình Quỳnh ở phố Hòa Mã , còn “lò” ở các CLB của một số Quận tự mở để huấn luyện nhau chỉ mang tính nghiệp dư. Võ sư Quyền Anh nổi tiếng ở CLB QA Hà Nội lúc ấy là ông Phan Sang, người to cao , tóc lúc nào cũng cắt kiểu “square” ( đầu cua kiểu “vuông”), ông Sang cũng hay đi bơi ở bể bơi Quảng Bá  , võ sỹ QA của các CLB QA ở Hà Nội phần lớn đều là học trò của ông , ngoại trừ một số võ sỹ là “kiều”từ Tân Đảo hoặc Thái Lan về.
Tôi học Quyền Anh ở CLB Quân đội , thầy dậy tôi trực tiếp là võ sỹ Vũ Ngọc Tâm , một võ sỹ có hạng của Quân đội , anh đã từng thi đấu và đoạt giải , anh nhỏ người nhưng kỹ thuật chuẩn , động tác nhanh mạnh và che đỡ kín vì thế tôi rất ngưỡng mộ , sau vài tháng học ở CLB tôi được biết nhà anh ở 59Bà Triệu , anh mến tôi vì học nhanh và thực hành động tác chuẩn , nhưng anh chê tôi “thư sinh cơ bắp kém” , khổ một nỗi ngày nào tôi cũng tập tạ , tập xà , cũng co kéo như ai nhưng tới cả năm trời rồi mà chả thấy “con chuột” ( bắp tay ) nào xuất hiện cả , anh biết tôi rất bận vì “tham học” , nào là học vẽ , học Judo nên anh bảo tôi không cần đến CLB nữa mà đến nhà anh tập vào hai buổi tối trong tuần . Sau này , đến năm 1964 khi tôi là sinh viên ĐH Bách Khoa , tôi lại tham gia CLB Quyền Anh Sinh viên thì anh Tâm ( khi đó anh là sinh viên năm cuối Khoa Hóa ) là Chủ nhiệm CLB ( cùng ở CLB Quyền Anh sinh viên với tôi có anh Sơn học Cơ khí Ô tô khóa 8 , sau này anh Sơn là sỹ quan D255 Cục Quản lý xe ) CLB “boxing” Bách khoa khi đó khá đông, gồm nhiều thành phần : giáo viên , cán bộ , sinh viên ( nhưng không có thanh niên ngoài ) một tuần chúng tôi tập ba buổi chiều sau giờ học, mãi đến khi chiến tranh phá hoại leo thang , đi sơ tán thì CLB này cũng tan.
Cùng lúc với việc học Quyền Anh , tôi đi học Judo tại “lò” của Võ sư Nguyễn Đình Quỳnh , thày mở “lò” ngay tại nhà ở phố Hòa Mã , võ sư đã đạt tới “đai đen” , đã thi đấu Đông Dương và một lần đoạt giải nhất , “lò” của thày khá đông mặc dù học phí không rẻ (học phí loại sơ cấp chúng tôi cũng đã 15đ/ tháng ) . Tôi nhớ mãi những kỷ niệm học với thầy , khi mới vào học thầy bảo : “Học võ trước hết phải học ngã” , thế là hàng tháng trời toàn là ngã : ngã nghiêng , ngã sấp , ngã ngửa , ngã ngồi ….các kiểu , mới đầu là học ngã trên đệm , sau là tập ngã trên nền cứng thì ngán . Có một lần , tôi đến học muộn , cả nhóm đã đứng xếp hàng , tôi cúi người chào thầy như người Nhật vẫn làm , thầy bảo hôm nay ôn tập bài “quật qua vai” trên nền cứng , thầy gọi một võ sinh lớn ra trước , anh ấy tên là Minh , anh đã học được 3 năm , người anh ấy so với tôi là cao to, rồi thầy gọi tôi : “ Tiến , vào đi” …Thầy đã gọi là phải vào …thế là tôi vào , tôi biết nếu tôi chậm một tí thôi thì khó mà nhấc ông này qua vai được , …từ ngoài tôi lao vào khá nhanh , vừa áp sát người vào người anh Minh tôi quay người quanh chân trụ , đưa lưng tôi áp sát bụng anh ấy , khuỵu ngay chân xuống thật thấp và túm vai anh ấy quật qua vai tôi ….chỉ nghe thấy tiếng “bộp” …tôi đã thấy anh Minh nằm ngay trước mặt tôi … anh nằm yên đến 4-5 giây rồi mới lắc lắc đầu đứng dậy , chả cần biết thầy đang đứng đó … anh đỏ mặt mắng tôi : “ Mày quật gì mà quật nhanh thế làm tao không kịp đỡ chân” …Tôi lúng búng xin lỗi anh … thầy Quỳnh lại bảo : “ Đấy , đánh trong thực tế phải đánh như thế , ai lại bảo đối thủ đánh chậm để chờ tao giơ chân đỡ ?” Thật ra trong khi tập với nhau , vì sợ bạn tập đau nên chúng tôi thường đánh chậm , có khi còn bảo “tao quật nhé” , vì thế hôm nay quả là …tôi hơi …sợ …anh ấy giỏi hơn , to hơn , đành chiếm thế “thượng phong” . Sau buổi tập , anh Minh bảo tôi “ Cái nền xi măng cứng như đá , nên đến bây giờ anh vẫn còn đau hết hai bên hông !” …“Khổ …em nghĩ là anh đỡ được”.
 Từ năm 1965 trở đi, sơ tán chả còn học hành gì , sau này trong cuộc “lãng du” nơi “giang hồ” do thói “tham học” nên tôi cũng được nhiều thầy hoặc anh em bè bạn dậy cho một số “ngón đòn” hay hay mà chưa dùng đến bao giờ.
2-/ ĐÁNH NHAU .
Đã học thì phải “hành”.Trong thanh thiếu niên học sinh Hà Nội ngày ấy rất ít chuyện đánh nhau theo kiểu bạo lực như bây giờ , với những học sinh bình thường không học võ vẽ gì thì chỉ chơi , tập các môn thể thao : xà,tạ,chạy,nhảy,bơi,bóng chuyền,bóng rổ,…có mâu thuấn gì kể cả con trai lẫn con gái đều chỉ cãi nhau lèm bèm hoặc đấm đá nhau vớ vẩn mấy cái rồi thôi, vì đứa nào cũng sợ bị kỷ luật , nhà trường mà đưa giấy thông báo kỷ luật về cho cha mẹ hoặc khu phố thì cả gia đình xấu hổ , mất hết cả danh dự , gia phong (thời ấy người ta còn có và còn biết trọng danh dự, còn xấu hổ) nên học sinh dù là loại nghịch ngợm , “thượng võ”, hay bình thường đều khá ngoan.
Chuyện đánh nhau chỉ có trong số những học sinh tham gia học võ ở các “lò” khác nhau , đánh nhau vì chê nhau , vì muốn so tài hơn kém (chuyện đánh nhau ngoài “giang hồ” lúc ấy thì tôi không biết) , nhưng cũng không dám đánh nhau ở trường .Theo địa bàn , cũng hình thành các “băng” (thường là cùng một “lò”) , nhưng số băng nhóm này không nhiều , ví dụ ở địa bàn từ phố Nguyễn Du hất xuống đến Chợ Mơ thời ấy chỉ có hai nhóm chính : “Nhóm Trần Đoàn” , mấy tay này ngụ cư ở quanh quẩn mấy phố Mai Hắc Đế, Triệu Việt Vương, Phố Huế, Bùi Thị Xuân, …ra cả Khâm Thiên,…trong nhóm này nổi lên “côm cán” nhất là trưởng nhóm Trần Đoàn, rồi đến Đinh Gia Hưng, Tuất “chó” ( đã tuất còn chó ), Sính “dớt” , Phượng “cá ngão”…Nhóm thứ hai là “Nhóm Liên chùa” , vì hắn tên là Liên lại ở Ngõ Chùa Liên Phái , nắm giữ toàn bộ khu vực Chợ Mơ , Minh Khai ….nhưng cách đánh nhau hồi ấy là: không đánh lén, không đánh trộm, không dùng binh khí, không đánh “hội đồng”,….khá là “hiệp sỹ” , chỉ dùng “boxing” tay trần không găng , thường là có lời “thách đấu”hẳn hoi . Có hai địa điểm thường được các “băng” chọn.
Địa điểm thứ nhất :“Cột đồng hồ”, đúng là ở chân Cột đồng hồ thật , ngày xưa ở chỗ đối diện với trường PTCS Trần Nhật Duật bây giờ (nằm giữa khoảng ngã ba phố Ô Quan Chưởng  và Phố Chợ Gạo với phố Trần Nhật Duật ) có một cái cột đồng hồ bằng gang rất đẹp được Pháp dựng lên , phía bên kia là bờ đê , thời đó ở đây buổi tối rất hoang vắng vì không phải là nơi ăn uống và chơi bời của dân cư , chỗ này đường nhựa to, vỉa hè rộng có thể là “trường đấu” tốt ..
 Địa điểm thứ hai: sân Pasteur( trước cửa nhà Nguyễn Khánh Tiệp, Khóa 1 ĐHKTQS-vũ khí bộ binh) , sân Pasteur lúc đó chưa có gì, chỉ là bãi đất hoang vu , ban ngày là sân bóng đá, còn tối thì chẳng ai muốn đến đây cả. Lời “thách đấu” thường là :”9 giờ tối nay tại Cột đồng hồ nhé”
Ngày hôm sau đến lớp , xuất hiện vài tay sưng vù mắt , tím mặt , hay môi sưng , môi sứt là biết ngay tối hôm qua vừa có trận “giao hữu” nhưng không đứa nào mách thầy cô , khi thầy cô hỏi mấy tay ấy thì chúng thường trả lời là “em bị ngã” , lớp tôi có hôm đến hai-ba thằng “bị ngã”; đánh nhau thế thôi , không thù hằn gì , thua thì thách đấu lại , thua nữa thì thôi, có khi bái phục đàn anh rồi xí xóa. Sau này khi chiến tranh tôi được biết Tuất “chó” là liệt sỹ , Sính “dớt” là lái xe cho các lãnh đạo của Báo Nhân Dân đến tận tuổi về hưu , năm 1965 tôi gặp Đinh Gia Hưng ở thị xã Vĩnh Yên khi hắn là pháo thủ Trung đoàn pháo nòng dài 130 đầu tiên của Việt nam.
Bây giờ tôi vẫn đến phố Triệu Việt Vương uống café sáng , gặp mấy tay ấy vẫn nhớ nhau , già cả rồi nhưng trông còn “ngon” lắm – cũng là một thời oanh liệt..

                                                                                                                    Tiến “gù”

3 nhận xét:

TranKienQuoc nói...

Bọn trẻ chúng em thuộc câu thách đố: "Một chọi 1 leo (treo?) cột đồng hồ/ Không đấm, không đá, không sờ vào nhau".
Cột đồng hồ chắc ở Trần Nhật Duật (nay là cầu vượt lên cầu Chương Dương), chứ ở Hồng Vân, Long Vân thì bị CA túm ngay?

Phú Hòa nói...

Lâu lắm rồi tôi mới lại được nghe đến tên Trần Đoàn mà hồi còn nhỏ thì bọn trẻ lứa chúng tôi ai cũng biết và được nghe khá nhiều truyền thuyết về con người này.

Nặc danh nói...

Sính dớt về sau này hay ngồi uống rượu ở quán Ái miền. Nhiều hôm say về nhà cho ra, ông bố(70 tuổi) vừa dọn vừa bảo "Sính ơi mày còn ác hơn cả Polpot". Không biết về sau ông ấy có lấy vợ không?
N.TV