Thứ Bảy, 16 tháng 6, 2012

“Nhóm thiểu số thao túng” của nền kinh tế Nga (ST: Đạt)

Vladimir Potanin, kiến trúc sư của kế hoạch
đột phá tạo ra các oligarch Nga - Ảnh: Forbes

      

Nước Nga thời tranh tối tranh sáng đầu thập niên 1990 chứng kiến những pha thâu tóm ngoạn mục để tạo ra một thế hệ tỉ phú đầy tranh cãi.
Ngày nay, trên thế giới không ai không biết đến những cái tên như Boris Berezovsky, Mikhail Khodorkovsky, Mikhail Prokhorov hay Roman Abramovic. Có người xem họ là những nhà tiên phong trong nền kinh tế Nga hậu Xô viết, người khác lại cáo buộc họ gây bao hậu quả nặng nề cho đất nước. Đến nay thì số phận những “người giàu đầu tiên” của LB Nga rất khác nhau: người vẫn tiếp tục giàu, kẻ phải lưu vong hoặc ngồi sau song sắt. Dù thế nào thì cách làm giàu của các tỉ phú này khiến họ phù hợp với hỗn danh oligarch - từ gốc Hy Lạp nghĩa là “nhóm thiểu số thao túng”.


Từ buôn lậu đến lập ngân hàng
Theo báo cáo Oligarchs: The First Russian Capitalists (tạm dịch: Oligarchs: Những nhà tư bản đầu tiên ở Nga) của Công ty phân tích tài chính Thomas White International, thế hệ người giàu mới có cơ hội manh nha từ cuối thập niên 1980 - đầu thập niên 1990. Khi đó, chính quyền Liên Xô dưới sự lãnh đạo của ông Mikhail Gorbachev thực hiện các chính sách cải tổ và mở cửa, bước đầu hình thành nền kinh tế thị trường nhưng lại thiếu các công cụ quản lý hiệu quả. Đặc quyền kinh tế - tài chính vẫn thuộc về những nhân vật cấp cao của đảng Cộng sản, KGB, Đoàn thanh niên và những ai biết bắt tay với họ. Trong khi đó, chợ đen mọc lên như nấm, buôn bán các mặt hàng nhập lậu từ phương Tây như máy tính và quần jeans. Theo trang Leadership Biographies, tỉ phú Abramovic bị cho là từng bán đồ chơi nhập lậu ở Moscow. Berezovsky và một số người khác thì bắt đầu làm giàu bằng cách dùng quan hệ với chính quyền để mua sản phẩm với giá bao cấp cực rẻ để bán lại với giá Thị trường.
Một số người khác còn táo bạo hơn khi thành lập những ngân hàng tư nhân đầu tiên, huy động vốn trong nhân dân để cho các tay buôn lậu, vốn rất cần tiền tươi, vay với lãi suất cao. Khodorkovsky, từng là Phó bí thư Đoàn thanh niên của Viện Khoa học kỹ thuật Mendeleev, cùng đồng sự lập Ngân hàng Menatep năm 1989. Vladimir Potanin rời chức vụ tại Bộ Ngoại thương để cùng Mikhail Prokhorov lập Ngân hàng Uneximbank và Công ty tài chính Interros trong khi Ngân hàng Alfa Bank ra đời năm 1990 dưới tay Mikhail Fridman. Theo một số cáo buộc, các ngân hàng này còn là nơi “rửa tiền” của các quan chức đang ra sức vơ vét tài sản nhà nước trong thời kỳ mà mọi thứ có thể sụp đổ bất cứ lúc nào. 
Bên cạnh đó, bằng tầm nhìn nhạy bén, những nhà tư bản mới này mau chóng tạo lập quan hệ với nhóm của ông Boris Yeltsin trong bối cảnh hỗn loạn của chính trị Nga đầu thập niên 1990. Theo BBC, Khodorkovsky đã xuất hiện hết sức “đúng lúc đúng chỗ” khi có mặt tại tòa nhà quốc hội cùng ông Yeltsin để đương đầu với cuộc đảo chính hụt năm 1991. Vladimir Gusinsky thì xây dựng được tình bạn với Yury Luzhkov, người sau này trở thành Thị trưởng Moscow.
Dùng ngân hàng và lũng đoạn chính sách để “nuốt” các tập đoàn nhà nước
Cơ hội lại tiếp tục đến trong làn sóng tư nhân hóa ồ ạt ngay sau khi ông Yeltsin trở thành Tổng thống Nga, theo bài Lược sử Oligarch Nga của nhà nghiên cứu Xavier Moreau đăng trên trang RealPolitik.tv năm 2010. Tài sản nhà nước lọt vào tay một thiểu số với giá rẻ mạt. Kinh tế kiệt quệ, ngân quỹ cạn kiệt và ông Yeltsin có nguy cơ thất cử trong cuộc bầu tổng thống năm 1996. Khi đó, Vladimir Potanin đề ra một kế hoạch táo bạo, còn gây ý kiến trái chiều đến tận ngày nay.
Dưới đề xuất của Potanin và sự vận động của Berezovsky, chính quyền quyết định cho thuê cổ phần và tài sản của một số tập đoàn nhà nước trong ngành dầu mỏ, khoáng sản và luyện kim để kiếm tiền hoạt động. Hoạt động này được thực hiện trong giai đoạn 1995-1996 bằng hình thức đấu giá thông qua một số ngân hàng được lựa chọn. Dĩ nhiên là các ngân hàng này là những Menatep, Uneximbank hay Alfa Bank... và người tham gia đấu giá không ai khác hơn mà chính là chủ của các ngân hàng trên và đối tác. Họ thành lập nhiều công ty “mặt tiền” để đứng tên đấu giá thay.
Theo thỏa thuận, nếu chính quyền không thể trả lại tiền vào thời điểm 9.1996 thì các tài sản trên coi như thuộc về người đấu giá. Chuyện trả tiền đã không xảy ra và một nhóm nhỏ nhà tư bản nghiễm nhiên thâu tóm cổ phần, tài sản của các tập đoàn chủ chốt với giá “rẻ như cho”. Khodorkovsky “nuốt trọn” Tập đoàn dầu khí Yukos, Abramovic hợp tác với Berezovsky thu mua Công ty dầu Sibneft với giá thấp hơn giá trị thực 25 lần, đồng thời thâu tóm một số nhà máy luyện nhôm. Trong khi đó, liên danh Potanin - Prokhorov lấy được Norilsk Nickel, một trong những tập đoàn luyện kim lớn nhất thế giới thời bấy giờ. Như vậy là chỉ trong thời gian ngắn ngủi, tài sản của những người này tăng hàng triệu đến chục triệu USD (theo tỷ giá thời đó).
Trong cuộc bầu cử tổng thống 1996, dưới sự dẫn dắt của Berezovsky và Gusinsky, những người đã nắm luôn các kênh truyền thông lớn, nhóm tỉ phú tung mọi nguồn lực để bảo đảm ông Yeltsin tái đắc cử. Một mặt là bảo vệ quan hệ với chính quyền, mặt khác là nếu ứng viên Cộng sản Gennady Zyuganov mà chiến thắng thì thỏa thuận đấu giá nói trên sẽ bị hủy bỏ và mọi đầu tư coi như đổ sông đổ biển, theo BBC. Kết quả là ông Yeltsin làm chủ Điện Kremlin thêm 4 năm và một thế hệ tài phiệt giàu không thể tưởng tượng về cả tiền bạc lẫn ảnh hưởng chính trị chính thức ra đời. Sau đó, vai trò và vị thế của họ bắt đầu suy giảm mạnh sau cuộc khủng hoảng năm 1998 và sự xuất hiện của ông Vladimir Putin. Đến nay, thì các oligarch thế hệ đầu không còn mấy người trừ những ai “kịp” xây dựng quan hệ với các lãnh đạo mới, mà điển hình nhất là Roman Abramovic hay Vladimir Potanin.
Trọng Kha

1 nhận xét:

Nặc danh nói...

Nhóm lợi ích của ta cũng rứa?